Vàng lập kỷ lục, nhà đầu tư khoe lãi lớn, người gửi tiết kiệm ngậm ngùi
Tranh thủ giá vàng thiết lập đỉnh lịch sử hơn 92 triệu đồng/lượng, nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ chốt lời thu được những khoản lãi lớn. Trong khi đó, những người gửi tiết kiệm vẫn đang ngậm ngùi khi số tiền lãi nhận được “teo tóp” tới 50% so với cách đây chỉ 1 năm.
Vàng lập kỷ lục mới, nhà đầu tư tranh thủ bán chốt “lời khủng”
Trong những ngày đầu tháng 5, giá vàng trong nước liên tục thiết lập những kỷ lục mới. Cụ thể, vào 14h00 ngày 10/5, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 90,1 - 92,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 3 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Đây là mức giá kỷ lục mới của vàng miếng SJC sau chuỗi ngày tăng mạnh thời gian gần đây.
Không chỉ vàng miếng, vàng nhẫn các thương hiệu cũng điều chỉnh tăng. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn 75,43 - 76,93 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng gần 2 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
14h00 ngày 10/5, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 90,1 - 92,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 3 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Giá vàng biến động mạnh đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Theo đó, bất chấp trời nắng nóng, người dân xếp hàng xuyên trưa trên phố Trần Nhân Tông để chờ giao dịch vàng. Khách xếp hàng có từ già đến trẻ.
Giá vàng miếng SJC lập kỷ lục mới hơn 92 triệu đồng/lượng
Chị Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đã tranh thủ chốt lời 20 lượng vàng SJC mua vào dịp 30/4 vừa qua. Nhà đầu tư này cho biết ở thời điểm xuống tiền mua giá vàng ở mức 85 triệu đồng/lượng, trừ đi phần chênh lệch mua vào – bán ra lãi hơn 3 triệu đồng/lượng. Chỉ sau 10 ngày nhà đầu tư lãi được 60 triệu đồng từ khoản đầu tư vào vàng của mình.
“Không có gì lãi hơn lướt sóng vàng. Đáng ra tôi định chờ giá lên tầm 95 triệu đồng/lượng mới chốt lãi nhưng thấy giá có dấu hiệu quay đầu giảm nên đã tranh thủ chốt lời khoản đầu tư của mình” chị Thảo cho biết.
"Tôi lãi gần 900 triệu đồng với số vốn ban đầu bỏ ra gần 3 tỷ đồng để mua 40 lượng vàng. Đây là mức lãi nhất trong các kênh đầu tư của tôi bao gồm cả chứng khoán, bất động sản trong vòng 1 năm" - chị Hằng (Hai Bà Trưng – Hà Nội).
Tương tự, chị Hằng (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cũng đã quyết định chốt lời 40 lượng vàng vào chiều ngày 10/5 sau hơn 1 năm xuống tiền. Nhà đầu tư này cho biết cách đây hơn 1 năm, sau khi bán căn đi một căn chung cư đã quyết định dồn toàn bộ tiền có được để mua 40 lượng vàng SJC cất két. "Tôi lãi gần 900 triệu đồng với số vốn ban đầu bỏ ra gần 3 tỷ đồng. Đây là mức lãi nhất trong các kênh đầu tư của tôi bao gồm cả chứng khoán, bất động sản trong vòng 1 năm", chị Hằng nói.
Giá vàng miếng SJC quay đầu giảm sau khi thiết lập kỷ lục mới hơn 92 triệu đồng/lượng
Bên cạnh những người tranh thủ chốt lời khi giá vàng lập đỉnh hơn 92 triệu đồng/lượng, vẫn có không ít người quyết định xuống tiền mua vào. Chị Trúc (ở quận Long Biên, Hà Nội) mất 3 tiếng chờ đợi mới mua được nửa lượng vàng SJC. Chị Trúc chia sẻ: "Tôi mua để tích lũy và cứ có tiền tôi mua bất kể giá thấp hay cao. Thế nhưng cứ mỗi lần mua thấy giá tăng tôi cũng vui".
Chị Thủy (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết bản thân quá mệt mỏi vì chờ đợi xếp hàng mua vàng. “Có tiền mua vàng mà khổ như mua thực phẩm thời bao cấp", chị Thủy chia sẻ về tình cảnh xếp hàng chờ mua vàng trong chiều ngày 10/5 vừa qua.
Trước áp lực chốt lời của các nhà đầu tư, giá vàng miếng SJC đã quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 11/5. Theo khảo sát vào lúc 15h30, giá vàng SJC được một số đơn vị kinh doanh giảm về mốc 90 triệu đồng/lượng, tương đương giảm 2,4 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh lịch sử chiều 10/5.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng SJC 88,8 - 90,3 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 2,1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng miếng SJC 87,5 - 90,3 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 2 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Người dân xếp hàng chờ giao dịch khi giá vàng thiết lập kỷ lục mới
Người có tiền gửi tiết kiệm do dự tìm kiếm kênh đầu tư mới
Trái ngược với đà tăng phi mã của giá vàng trong nước những ngày gần đây, lãi tiết kiệm ngân hàng vẫn đang ở vùng đáy sau những đợt điều chỉnh lãi tiết kiệm của các ngân hàng. Nhiều người có tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm cảm thấy tiếc nuối khi lãi suất tiết kiệm đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm sâu tới 50% so với cách đây 1 năm.
“Các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động sâu tới 50% so với cách đây 1 năm. Lãi tiết kiệm xuống thấp quá nên tôi đang suy nghĩ chuyển sang đầu tư khác” - Chị Việt Nga (Thanh Xuân – Hà Nội).
Chị Việt Nga (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết nếu gửi 1 tỉ đồng, năm trước chị có lãi gần cả 100 triệu đồng thì nếu gửi đúng kỳ hạn này năm nay còn chưa đến 50 triệu đồng, giảm tới 50%. Tuy nhiên, chị chỉ chọn gửi lại kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 4,2%/năm nên số lãi còn ít hơn. “Lãi tiết kiệm xuống thấp quá nên vẫn suy nghĩ chuyển sang đầu tư gì đó mà phân vân nên cứ gửi kỳ hạn ngắn rồi sẽ tính tiếp”, chị Nga chia sẻ.
Lãi tiết kiệm vẫn đang ở vùng đáy dù nhiều ngân hàng đã tăng lãi từ cuối tháng 3
Chị Nguyễn Thùy Tiên (35 tuổi) cũng đang sốt ruột với khoản tiền hơn 1 tỷ đồng đang gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Thời gian gần đây, chị theo dõi thị trường, được biết vàng tăng giá mỗi ngày dường như không có điểm dừng. “Vàng tăng làm tiền mất giá, lãi suất gửi ngân hàng không thể lại được. Còn kinh doanh thì giai đoạn này thực sự khó khăn. Hiện tôi chưa biết nên rót tiền đầu tư kênh nào với khoản tiền nhàn rỗi này?” – chị Thùy Tiền chia sẻ.
“Vàng tăng làm tiền mất giá, lãi suất gửi ngân hàng không thể lại được” - Chị Nguyễn Thùy Tiên (35 tuổi).
Theo thống kê, bước sang tháng 5, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được khảo sát tại các ngân hàng thương mại hiện đang được triển khai quanh mức 4,7%/năm – 5,4%/năm.
Ở kỳ hạn 18 tháng, lãi tiết kiệm cũng đang được các ngân hàng niêm yết ở mức 4,7-5,9%/năm. Với kỳ hạn 24 tháng, lãi tiết kiệm cao nhất là 6%/năm và kỳ hạn 36 tháng lãi tiết kiệm cao nhất khách hàng được nhận cũng chỉ 6,1%/năm.
Lãi tiết kiệm vẫn ở vùng đáy, cho nên một số người có tiền nhàn rỗi chọn gửi tiết kiệm ở kỳ hạn ngắn từ 3 – 6 tháng để chờ cơ hội dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác sinh lời tốt hơn.
Có nên xuống tiền đầu tư vàng thời điểm này?
Trước việc lãi tiết kiệm vẫn đang ở vùng đáy, trong khi chứng khoán vẫn đang lình xình ngưỡng 1.24x điểm, đầu tư BĐS cần nguồn vốn lớn thì vàng đang là kênh đầu tư lấp lánh nhất ở thời điểm hiện tại.
Theo đó, so với mức giá chỉ 74-76 triệu đồng/lượng hồi đầu năm, giá vàng SJC vẫn ghi nhận đã tăng 13,5-14,3 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra). Tương đương lần lượt tăng 18,2 và 18,8% so với đầu năm. Thậm chỉ ở mức giá đỉnh lịch sử 92,4 triệu đồng/lượng chiều ngày 10/5, giá vàng SJC đã ghi nhận tăng tới hơn 21,57% sau hơn 4 tháng.
“Đây không phải là thời điểm thích hợp để xuống tiền mua vàng do vàng thế giới đã lên gần như hết biên độ trung hạn. Vàng trong nước tăng chỉ đơn thuần do khan hiếm cung vàng của các tổ chức kinh doanh vàng” - ông Đinh Tùng Lâm - Phó Giám Đốc Viện Thực Hành Đầu Tư Tài Chính Da Vinci.
Lý giải về đà tăng mạnh của giá vàng trong nước thời gian gần đây, ông Đinh Tùng Lâm - Phó Giám Đốc Viện Thực Hành Đầu Tư Tài Chính Da Vinci cho biết vàng trong nước liên tục tăng giá mặc dù vàng thế giới không tăng là do nguồn cung vàng đang cạn kiệt.
Ông Đinh Tùng Lâm cho rằng đây không phải thời điểm thích hợp để xuống tiền đầu tư vào vàng
Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để xuống tiền mua vàng do vàng thế giới đã lên gần như hết biên độ trung hạn. Vàng trong nước tăng chỉ đơn thuần do khan hiếm cung vàng của các tổ chức kinh doanh vàng.
Vị chuyên gia này đánh giá hoạt động đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước chưa kìm hãm giá vàng tăng phi mã là do các tổ chức vẫn đang e ngại trong việc tham gia đấu thầu vào thời điểm này do các yếu tố liên quan đến chính trị kèm theo tâm lý lo ngại là sau khi đấu thầu vàng sẽ giảm giá mạnh do vàng thế giới đã suy giảm.
Tương tự, tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận định, vàng tăng giá không phải do chính sách kinh tế vĩ mô đang yếu kém, hay do Nhà nước tung tiền để lạm phát. Nếu những yếu tố này là nguyên nhân khiến vàng tăng giá thì thật sự đáng lo ngại.
Tuy nhiên, vàng tăng giá vì chịu ảnh hưởng của vàng thế giới, lãi suất tiết kiệm giảm, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản suy yếu…khiến cung không đủ cầu. Do đó, chỉ cần lượng vàng được tung ra một cách có kế hoạch, từng bước sẽ dần dần đáp ứng được nhu cầu nhất định cho người dân và làm giá vàng trên thị trường “hạ nhiệt”.
“Giá vàng thế giới tăng liên tục trong suốt 34 năm qua, mức tăng khoảng 40 lần. Trong dài hạn, vàng vẫn trong xu hướng tăng. Với bất động sản, trong 34 năm qua, giá tăng trung bình 120 lần. Vàng và bất động sản là những tài sản được coi là chủ chốt để cất trữ tiền. Trong ngắn hạn, có thể có lúc tăng lúc giảm, song xu thế dài hạn luôn đi lên” - Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa.
Một số chuyên gia khác thì cho rằng quyết định mua vàng sẽ tùy thuộc tâm lý và khẩu vị rủi ro từng người, nhưng chỉ nên nắm giữ với tỷ trọng 5-10% tài sản. Ông Nguyễn An Huy - chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm về thị trường vàng thuộc công ty FIDT, nói quyết định đầu tư nên phụ thuộc vào mục tiêu tài chính cá nhân của mỗi người, không nên dựa vào dự đoán diễn biến giá vàng trong hiện tại. Ông khuyến nghị một người dân ở tầng lớp trung lưu chỉ nên nắm giữ vàng với tỷ trọng 5-10% tổng tài sản.
Ví dụ, một người trẻ 25-30 tuổi, chưa có gia đình thường sẽ không có vàng trong danh mục đầu tư. Nhóm này có thể cân nhắc bổ sung một ít để tăng tính đa dạng hóa.
Các chuyên gia cho rằng nếu đầu tư ngắn hạn, “lướt sóng” kể cả với vàng hay bất động sản đều cần phải cân nhắc rủi ro
Ngược lại, những người cao niên có xu hướng chuộng mua vàng và kênh này chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục tài sản. Mặc dù có tính thanh khoản cao, không ai biết giá trị của chúng sẽ tăng - giảm ra sao vào thời điểm họ cần tiền. Nhóm này nên cân nhắc giảm tỷ lệ nắm giữ vàng về mức vừa phải, thay vào đó giữ một khoản dự phòng bằng tiền mặt trong các tài khoản tiết kiệm kỳ hạn 1 hoặc 6 tháng để hạn chế rủi ro về mức thấp nhất.
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa thì phân tích: “Vàng và bất động sản vốn là những tài sản được coi là chủ chốt để cất trữ tiền. Nên không lạ gì khi ngay cả trong điều kiện kinh tế bình thường giá vàng và bất động sản vẫn có thể tăng. Đồ thị hình sin trong ngắn hạn có thể lúc lên lúc xuống, có những biến động chỉ là ngắn hạn, còn xu thế dài hạn luôn đi lên”.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, nếu đầu tư ngắn hạn, “lướt sóng” kể cả với vàng hay bất động sản đều cần phải cân nhắc rủi ro. Còn nếu đầu tư dài hạn, coi vàng và bất động sản là hai kênh “trú ẩn” cho dòng tài chính của mình, thì đây vẫn là những kênh đầu tư an toàn.
Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý đang có quyết tâm khắc phục tình trạng giá vàng miếng chênh lệch quá cao so thế giới và nhẫn trơn. Tuy việc tổ chức đấu thầu chưa thực hiện được mục tiêu này cũng như xoa dịu "cơn sốt" vàng, họ vẫn còn nhiều biện pháp khác như sửa đổi Nghị định 24, xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, thanh tra và giám sát kỹ hơn hoạt động mua - bán. Do đó, đây có thể là rủi ro đáng cân nhắc với nhà đầu tư.
Hồng Hương – Trung Kiên
Tin liên quan