Giá vàng tăng rồi giảm, lình xình quanh mốc 90,7 triệu đồng/lượng
Kết thúc ngày 21/5, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 88,7-90,7 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 100.000 đồng ở cả chiều mua và bán so với lúc mở phiên. Trong phiên hôm qua, có thời điểm vàng miếng SJC tăng vọt lên 91 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Giá vàng nhẫn quay đầu giảm 200.000 đồng mỗi chiều sau khi lập kỷ lục ở vùng giá 77,45 triệu đồng/lượng. Hiện, vàng nhẫn tròn trơn được niêm yết tại 75,55-77,25 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Trên thế giới, giá vàng sáng nay đạt 2.421 USD/ounce, giảm 4 USD so với trước đó, nhưng vẫn ở vùng giá cao nhất từ trước đến nay. Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, vàng trong nước đắt hơn thế giới 16-17 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn chênh 3-4 triệu đồng, tùy thời điểm.
Hôm qua (21/5), Ngân hàng Nhà nước tổ chức thành công phiên đấu thầu vàng miếng SJC lần thứ 8. Trong đó, có 9 ngân hàng và doanh nghiệp trúng thầu 7.900 lượng vàng miếng SJC, tương đương gần một nửa quy mô gọi thầu, với cùng mức giá 89,42 triệu đồng mỗi lượng.
Kể từ cuối tháng 4, nhà điều hành tiền tệ đã 8 lần tổ chức đấu thầu và có 5 phiên tổ chức thành công. Sau phiên các phiên, Ngân hàng Nhà nước đã tung ra thị trường 35.000 lượng vàng miếng SJC.
Việc tổ chức đấu thầu vàng miếng được kỳ vọng giúp ổn định thị trường vàng, tăng nguồn cung cho thị trường, qua đó giúp hạ nhiệt giá vàng miếng về sát với thế giới.
Giá vàng thế giới duy trì xu hướng tăng, vững chắc trên mức 2.400 USD/ounce. Một số quan chức từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây liên tiếp đưa ra quan điểm về việc không vội bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, kim loại quý này vẫn đang đón nhận các thông tin một cách rất tích cực và không mấy phản ứng với quan điểm được đánh giá là ít ôn hòa này.
Trong bài phát biểu khai mạc tại một sự kiện gần đây, Thống đốc Fed Christopher Wall, cho biết chính sách tiền tệ hạn chế của Ngân hàng Trung ương Mỹ đang hạ nhiệt nền kinh tế và lạm phát, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Ông nhấn mạnh phải xem xét tất cả các dữ liệu trước khi đưa ra quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ.
Giá vàng miếng hiện vẫn neo cao trên mốc 90 triệu đồng/lượng sau khi lập đỉnh kỷ lục 92,4 triệu đồng vào ngày 10/5 (Ảnh: Mạnh Quân).
Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại công ty dữ liệu IG, cho rằng xu hướng tăng giá vàng vẫn còn. Dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây tạo cơ hội để Fed xem xét cắt giảm lãi suất sớm hơn trong năm nay. Mục tiêu tiếp theo của giá vàng là chạm mức kỷ lục mới sau khi thiết lập tại vùng 2.435 USD/ounce.
Kết quả khảo sát giá vàng mới nhất của Kitco News cũng cho thấy phần lớn chuyên gia tại Phố Wall tin rằng giá vàng có thể tăng tiếp trong tuần này. Tuy nhiên các nhà giao dịch bán lẻ lại tỏ ra thận trọng với kim loại quý này.
Ông Colin Cieszynski, chiến lược gia tại công ty tài chính SIA Wealth Management, bày tỏ sự lạc quan về giá vàng trong ngắn hạn. Theo ông, USD đang trong xu hướng giảm và điều này sẽ hỗ trợ cho giá vàng. Việc vàng vượt qua ngưỡng kháng cự 2.400 USD/ounce sẽ là tiền đề để chạm mốc 2.500 USD/ounce.
Giá USD tự do giảm
USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện đạt 104,6 điểm, không thay đổi so với phiên liền trước đó nhưng tăng hơn 3,16% từ đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước kết phiên 20/5 niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.251 đồng, tăng 4 đồng so với phiên liền trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.039-25.463 đồng.
Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.233-25.463 đồng, tăng 4 đồng mỗi chiều, chạm trần mức cơ quan quản lý tiền tệ cho phép. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.252-25.463 đồng.
Các đầu mối quy đổi ngoại tệ trên thị trường tự do niêm yết giá USD tại 25.650-25.740 đồng/USD (mua - bán), tăng 10 đồng mỗi chiều. Trong khi phiên trước đó, giá mua vào ghi nhận giảm 110 đồng và giá bán ra giảm 90 đồng.