Giá vàng lao dốc sau đề xuất xoá bỏ độc quyền, nên mua vào hay bán ra?
Mặc dù giá vàng thế giới vẫn neo ở mốc cao nhưng giá vàng trong nước lại đảo chiều giảm mạnh, vàng SJC mất mốc 80 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn về dưới 70 triệu đồng/lượng.
Hơn một tháng qua, kể từ sau ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng), thị trường vàng chứng kiến những đợt biến động giá lập hàng loạt kỷ lục mới lên mức cao nhất mọi thời đại.
Đầu năm 2024, giá vàng miếng chỉ 73 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn được giao dịch quanh mốc 62 triệu đồng/lượng nhưng sau ngày vía Thần Tài, giá vàng miếng SJC đã có thời điểm vượt mốc 82 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cũng vượt 71 triệu đồng/lượng vào ngày 9/3/2024.
Cùng thời điểm này, ngày 9/3/2024 giá vàng thế giới giao dịch quanh mốc 2.178 USD/ounce, tương đương 65 triệu đồng/lượng, chưa bao gồm thuế, phí. Như vậy, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới lên tới 17 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cao hơn giá vàng thế giới 6 triệu đồng/lượng.
Trước sự biến động mạnh và diễn biến phức tạp của giá vàng, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.
Ngay sau đó, tối 20/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số bộ, ngành về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng.
Tại cuộc họp này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, cơ quan này sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.
Việc xóa bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.
Sáng ngày 21/3/2024, trên thị trường thế giới, giá vàng tăng vọt lên mức đỉnh lịch sử là 2.222 USD/ounce ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong phiên họp kết thúc vào rạng sáng 21/3 (giờ Việt Nam).
Mặc dù giá vàng thế giới đứng trên đỉnh lịch sử, cao chưa từng có nhưng giá vàng Việt Nam lại được điều chỉnh giảm. Chiều ngày 21/3/2024, giá vàng miếng SJC giao dịch loanh quanh ở mức 81 triệu đồng/lượng.
Đến 13h chiều ngày 22/3/2023, giá vàng thế giới ở mức 2.184 USD/ounce/lượng nhưng giá vàng tại thị trường Việt Nam vẫn giảm không ngừng khi SJC niêm yết vàng miếng ở mức 78-80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), vàng nhẫn được giao dịch quanh mốc 67,9-69,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Thậm chí, Doji còn niêm yết giá vàng miếng xuống mức 77,7-79,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm tới 900 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.
Bảo tín Minh Châu cũng giao dịch vàng miếng quanh mốc 77,5-79,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), vàng nhẫn ở mức 68,58-69,88 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trao đổi với PV, ông Đinh Tùng Lâm – Viện Thực hành đầu tư Tài chính Da-Vinci cho biết, ngày hôm qua, giá vàng thế giới đã lên đến biên độ tối thiểu là 2.200 USD/once nên vùng giá này khá nhạy cảm và nguy hiểm cho nhà đầu tư vì rất có thể đảo chiều.
“Giá vàng miếng của Việt Nam đang chênh lệch với giá thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng nên đang ở mức khá cao. Nếu muốn mua thì phải mua từ trước Tết, còn bây giờ nhà đầu tư không nên mua vào nữa mà phải ngồi im”, ông Lâm nói.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, xu hướng tăng của giá vàng thế giới vẫn còn và trong 2-3 tháng tới có thể đạt mức 2.350 USD/ounce nên nếu nhà đầu tư đã có vàng trong tay thì chưa nên bán vội.
“Giờ không nên mua cũng không nên bán. Nếu có sẵn tiền trong tay thì tôi nghĩ nên đầu tư bất động sản ở các tỉnh xa, không phải Hà Nội vào thời gian này vì nó đang ở đáy rồi”, ông Lâm nhận định.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ độc quyền sản xuất, giá vàng SJC trong nước đã “đánh võng”. Chỉ trong ngày 21/3, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tới 4 lần, với mức tăng, giảm gần 1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, người dân mua vàng theo tâm lý đám đông, người chờ tăng chốt lời, người chờ giảm để mua vào.
Tin liên quan