Giá vàng đứng im vùng 89 triệu đồng/lượng sau loạt chỉ đạo nóng
Kết phiên 14/5, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại 86-89 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 1,5 triệu đồng ở chiều mua vào và 1 triệu đồng ở chiều bán ra so với giá đóng cửa phiên liền trước đó. Chênh lệch 2 chiều mua và bán nâng từ 2,5 triệu đồng lên 3 triệu đồng.
Giá vàng nhẫn trơn bình ổn, được giao dịch tại 74,6-76,3 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 50.000 đồng mỗi chiều.
Trong phiên hôm qua, các "nhà vàng" không có sự điều chỉnh giá vàng miếng SJC kể từ khi công bố giá mở phiên. Trong khi đó, ngày giá vàng lập đỉnh (10/5) với giá bán ra 92,4 triệu đồng/lượng, giá vàng biến động cả chục lần mỗi ngày.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ ngành liên quan về công tác quản lý thị trường vàng.
Tại cuộc họp, các đại diện NHNN, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo TPHCM, Công ty SJC đã trao đổi về diễn biến giá vàng thế giới, giá vàng trong nước, nhất là giá vàng miếng SJC.
Các đại diện cũng phân tích nguyên nhân giá vàng miếng SJC trong nước chênh lệch cao so với giá vàng thế giới; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường vàng...
Các ý kiến cho rằng vàng không phải mặt hàng Nhà nước bình ổn giá. Nhà nước không can thiệp, bảo hộ giá, kiểm soát giá vàng. NHNN chỉ độc quyền sản xuất vàng miếng chứ không độc quyền kinh doanh vàng miếng.
Tuy nhiên, vàng miếng là loại sản phẩm đặc biệt, vừa có tính chất hàng hóa, vừa có tính chất tiền tệ. Nhu cầu mua bán, trao đổi vàng miếng của người dân là chính đáng.
Do đó, NHNN có trách nhiệm can thiệp, bình ổn thị trường, "tạo sân chơi bình đẳng" để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đầu cơ, lũng đoạn thị trường vàng…
Đại diện NHNN cho biết đã chỉ đạo và đề xuất thành lập đoàn thanh tra liên ngành với thành phần tham gia của Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Các đơn vị chức năng của NHNN đang tiến hành khảo sát thực tế để bảo đảm việc thanh tra hiệu quả. Dự kiến ngày 15/5, NHNN sẽ hoàn thành khảo sát; sau đó sẽ báo cáo Ban Cán sự Đảng NHNN; dự kiến trong tuần tới sẽ ra quyết định thanh tra.
Giá vàng giảm về dưới 90 triệu đồng sau yêu cầu khẩn thanh tra thị trường, không để chậm trễ hơn (Ảnh: Mạnh Quân).
Vàng thế giới hiện được giao dịch tại 2.356,8 USD/ounce, tăng 18 USD so với kết phiên cũ. Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, vàng trong nước đắt hơn thế giới 16,4 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn chênh 3-4 triệu đồng, tùy thời điểm.
Giá vàng tăng trở lại sau khi có báo cáo lạm phát của Mỹ với số liệu chính tốt, nhưng các chi tiết và sự sửa đổi của báo cáo lại không tích cực.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được công bố vào hôm nay (15/5). Dự kiến CPI sẽ tăng 0,4%, so với báo cáo tháng 3 chỉ tăng 0,4%. Chỉ số CPI hàng năm tháng 4 được dự kiến sẽ tăng 3,6% so với việc tăng 3,8% trong báo cáo tháng 3.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, cho rằng lạm phát đã cao hơn trong thời gian dài so với những gì Fed dự kiến và dường như sẽ mất thêm thời gian để Fed trở nên tự tin rằng lạm phát sẽ giảm xuống 2%.
Ông nói rằng Fed sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ hạn chế của mình cho đến khi lạm phát giảm đến mức hợp lý với Fed.
Giá USD tự do, ngân hàng cùng tăng
USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện đạt 105,08 điểm, giảm 0,19% so với một ngày trước đó nhưng tăng 3,53% từ đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.269 đồng, tăng 3 đồng so với phiên liền trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.055-25.482 đồng.
Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.152-25.482 đồng, tăng 3 đồng mỗi chiều theo điều chỉnh từ nhà điều hành tiền tệ. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.225-25.482 đồng, cũng ở mức trần cho phép.
Các đầu mối quy đổi ngoại tệ trên thị trường tự do niêm yết giá USD tại 25.750-25.820 đồng/USD (mua - bán), tăng 80 đồng ở chiều mua vào và tăng 70 đồng ở chiều bán ra.